Phường 9 Quận 10 có tổng diện tích là 196.300 m2 nằm về hướng nam của Quận 10, phía Bắc giáp Ngã Bảy và Phường 10, Đông giáp Phường 2; Tây giáp Phường 8; Nam giáp Phường 4 Quận 10. Ranh giới của phường được giới hạn bởi 7 tuyến đường chính: Lý Thái Tổ, Ba Tháng Hai, Nguyễn Tri Phương, Bà Hạt, Nguyễn Duy Dương, Vĩnh Viễn và Ngô Gia Tự.
Tháng 6 năm 1976, thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, Quận 10 chia thành 24 phường thay cho 5 phường trước năm 1976. Phường 9 hiện nay lúc đó là Phường 8 cũ (gồm các khóm 5, 6, 7 của phường Nhật Tảo.). Ngày 14/2/1987 theo Quyết định Số 33- HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng: Về việc điều chỉnh địa giới hành chính của một số xã, phường thuộc địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Theo Điều 5: Sáp nhập phần còn lại của Phường 8 cũ với Phường 7 cũ cùa Quận 10. thành một phường, lấy tên là Phường 9 . Phường có 77 tổ dân phố với 17.354 nhân khẩu. Địa giới phường được xác định bởi các tim đường: Ngô Gia Tự, bùng binh Ngã Bảy, Nguyễn Tri Phương, Lý Thái Tổ, Bà Hạt, Nguyễn Duy Dương và Vĩnh Viễn.
Đến nay, Phường 9 gồm 4 khu phố với 69 tổ dân phố ổn định về hành chính, địa giới cho đến nay và là một trong 15 đơn vị hành chính của Quận 10 - Thành phố Hồ Chí Minh.
1. Thành phần dân tộc, tôn giáo
Dân số trong phường có 4.806 hộ với 17.614 khẩu bao gồm dân tộc Kinh 4.444 hộ, 16.221 khẩu, dân tộc Hoa 362 hộ, 1.393 khẩu. Số dân theo đạo: 9.490 người, trong đó Thiên Chúa giáo: 3.160 người, Phật giáo: 6.330 người. Người dân trong phường luôn có sự đoàn kết của đồng bào lương - giáo, sát cánh cùng chính quyền thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cùng chấp hành luật pháp và nhà nước.
Địa chỉ đỏ: Số nhà 122/351 Ngô Gia Tự là nơi có hầm bí mật của Hội ủng hộ Vệ Quốc đoàn thuộc Trung đoàn Đồng Nai, hầm bí mật in tài liệu hoạt động từ năm 1952 đến những năm đầu chống Mỹ. Phường có một Mẹ Việt Nam anh hùng (đã qua đời), 85 gia đình Liệt sĩ, 56 Thương bệnh binh và 525 cán bộ hưu trí.
2. Về văn hóa, xã hội:
Một địa danh phường có điểm tiếp giáp là “Bia Vườn Lài”, song chính những thành tích các chiến sĩ lập nên chiến công xuất phát từ sự lãnh đạo của Chi bộ Vườn Lài tại Phường 9, là chỗ dựa, nơi ém quân và xây dựng cơ sở cách mạng trong lòng địch những năm 1954- 1975.
Địa bàn phường không có những công trình kiến trúc cổ và những dinh thự xưa, không có công viên văn hóa, thể thao. Một số công trình mang dấu ấn lịch sử văn hóa như: chùa Ấn Quang, nhà thờ Bắc Hà, Di tích hầm bí mật Quốc gia và các cơ sở cách mạng vững vàng, dũng cảm liên tục chiến đấu trong suốt hai thời ký kháng chiến chồng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Hiện nay phường có một trường Tiểu học Nhật Tảo tại số 1 đường Nhật Tảo, trường Măng Non tại 490/8 và số 476 - 478 đường Nguyễn Tri Phương. Trụ sở 387 Lý Thái Tổ là nơi làm việc của Đảng ủy, UBND và các ban ngành, đoàn thể phường. Trụ sở 2B1 Nhật Tảo là Ban chỉ huy Quận sự phường và 281 - 283 là Trụ Sở của Công an phường.
Trên địa bàn phường Hội Chữ thập đỏ Quận 10 tại số 261 Lý Thái Tổ, Công ty Địa ốc quận tọa lạc số 178-180-182 Ngô Gia Tự, Đội Thanh tra xây dựng quận đặt trụ sở số 150 Ngô Gia Tự.
3. Đặc điểm về kinh tế:
Trên đường Bà Hạt, đoạn đường từ Ngô Gia Tự đến Sư Vạn Hạnh trước đây có một chợ nhỏ, buôn bán tràn cả ra đường, nhân dân tự đặt tên là chợ Bà Hạt. Đến năm 1987 để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chợ giải tán. Hai bên mặt tiền đường Bà Hạt các cơ sở sản xuất mộc gia dụng truyền thống ngày càng phát triển trên đoạn đường này.
Đường Ngô Gia Tự, là mặt đường kinh doanh gỗ gia dụng, thu hút khá đông khách đến mua hàng. Nhà 122/351 đường Ngô Gia Tự có Hầm bí mật B là cơ quan của Hội ủng hộ Vệ Quốc đoàn Trung đoàn Đồng Nai, nơi in ấn truyền đơn, tài liệu... phổ biến đến nhân dân Sài Gòn - Gia Định.
Suốt đường Lý Thái Tổ, là khu vực kinh doanh khá sầm uất, mặt hàng tập trung nơi đây là “sơn”, mành sáo tre, trúc, thuốc tân dược, quán phở Tàu bay nổ tiếng một thời cũng ở trên đường này. Nhà thờ Bắc Hà đường Lý Thái Tổ được xây dựng cho bà con Công giáo di cư từ Miền bắc vào năm 1954. Đường Sư Vạn Hạnh cũng là địa điểm kinh doanh đa dạng các mặt hàng nội thất, vật liệu xây dựng, nhôm, Inox.
Tại phường, có khu dân cư Ấn Quang, bị máy bay địch bắn cháy năm Mậu Thân 1968, nên chúng phải xây chung cư đền bồi. Cạnh chung cư, một công trình kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng Di tích lịch sử cấp thành phố là chùa Ấn Quang tại 281 - 283 Sư Vạn Hạnh. Trước đó, năm 1948, còn là một am nhỏ có tên là Trí Tuệ Am được xây dựng cạnh khu đất Vườn Lài. Sau gần hai năm xây dựng, ngôi tự viện đặt tên là Ứng Quang Tự, năm 1950.
4. Hệ thống chính trị:
Trải qua 13 lần Đại hội, Đảng bộ phường có 9 chi bộ với 172 đảng viên gồm 4 chi bộ khu phố (116 đảng viên), 5 chi bộ đương chức (56 đảng viên). Phường có 4 Ban điều hành khu phố (12 người) và 69 tổ dân phố (138 người). Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường có 4 Ban công tác, Mặt trận khu phố với 37 thành viên. Đoàn Thanh niên Cộng sản phường có 9 Chi đoàn với 105 đoàn viên. bao gồm 4 Chi đoàn khu phố : 41 đoàn viên , 2 Chi đoàn chuyên nhiệm: 51 đoàn viên. 3 Chi đoàn ngoài quốc doanh 13 đoàn viên. Hội Thanh niên phường có 13 Chi hội với 168 thành viên. Hội Liên hiệp Phụ nữ phường có 4 Chi hội Phụ nữ khu phố, 69 Tổ hội với 4.167 Hội viên, Hội Cựu chiến binh phường có 4 Chi hội khu phố với 85 Hội viên. Hội Người cao tuổi có 4 Chi hội khu phố, 69 Tổ hội với 963 người. Hội Chữ Thập đỏ phường có 6 Chi hộ, 69 tổ hội với 963 Hội viên. Hệ thống chính trị của phường tổ chức hoàn chỉnh và phát huy được sức mạnh tổng hợp trong công cuộc xây dựng và phát triển phường ngày một đi lên vững chắc./.